Phú Quốc - Khúc tráng ca hào hùng
Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, Phú Quốc luôn phải gồng mình trước bao gian nan thử thách, đặc biệt là trước sự tàn bạo của kẻ thù xâm lược. Nhưng cũng chính từ những thử thách khốc liệt ấy, bản lĩnh và ý chí của người Phú Quốc đã được tôi rèn và khẳng định, viết nên những trang vàng truyền thống, tạo nên những giá trị lớn lao thấm đẫm chất anh hùng ca bất diệt.
Phú Quốc là một đảo lớn, là “đất giàu” theo tên gọi và cũng là đất dữ với kẻ thù xâm lược. Mảnh đất kỳ thú giữa biển khơi ấy như một Việt Nam thu nhỏ, có núi, có rừng, có sông, có biển... và có cả cư dân từ mọi miền đất nước về đây sinh sống.
Phú Quốc từ lúc “khai thiên lập địa” - suốt mấy thế kỷ qua, đã trải qua bao thăng trầm, bao biến cố cùng lịch sử hào hùng của dân tộc. Đất và người Phú Quốc luôn kiên cường trước kẻ thù hung bạo; lắm lúc cũng cô đơn đấy, nhưng không bao giờ cô độc; con người nơi đây luôn chân tình, thuần phác; luôn rộng lòng và mến khách.
Và Phú Quốc chứa đựng bao điều có thể gọi là Huyền thoại, xứng đáng để cho ta tìm hiểu, cho ta ngưỡng mộ, yêu quí, thán phục và say lòng.
Huyền thoại Phú Quốc gắn liền với bao dấu tích xa xưa và với truyền thống đấu tranh quật cường của người dân nơi đây. Đó có thể là dấu tích Dinh Cậu - Một ngôi đền thờ cậu Tài và cậu Quý, đại diện cho sông nước cai quản cửa biển, luôn phù hộ cho ngư dân khi gặp giông bão, mà thực chất là thờ một vị quan nào đó đã có công lớn đối với nhân dân địa phương. Đó còn là các vị nhân thần được thờ trong Đình Thần Dương Đông, đã có công khai khẩn và tạo lập cuộc sống trên đảo từ xa xưa... Đặc biệt là những dấu tích hào hùng của người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và những năm tháng đau thương và bất khuất của hàng vạn chiến sĩ cách mạng trong Nhà tù Phú Quốc - Nơi lòng dũng cảm, ý chí quật cường đối chọi với tội ác dã man, sự khốc liệt của kẻ thù tàn bạo.
Huyền thoại Phú Quốc không phải là điều gì đó mơ hồ, hư cấu theo dòng thời gian mà chính là những con người thật, câu chuyện thật, địa danh thật... tạo nên vóc dáng thấm đẫm hào khí của một vùng đất đảo xa xôi.
Phú Quốc truyền thống hào hùng
Những dấu ấn đầu tiên...
Cuối tháng 6 năm 1867, thực dân Pháp đưa quân đánh chiếm tỉnh Hà Tiên, một tỉnh trong “Nam Kỳ Lục tỉnh”, hoàn thành việc chiếm 3 tỉnh miền Tây và hoàn thành việc chiếm trọn đất Nam Kỳ.
Sau gần 1 năm, kể từ khi thực dân Pháp chiếm tỉnh Hà Tiên, đêm 16-06-1868, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đánh úp Đồn Kiên Giang, diệt hơn 70 tên giặc, trong đó có tên chủ tỉnh người Pháp. Nghĩa quân chiếm Đồn và làm chủ nơi này suốt 5 ngày đêm (từ 16 đến 21 tháng 6 năm 1868), nhưng sau đó trước sự phản công mạnh của quân Pháp, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân phải rút khỏi Rạch Giá, về Hòn Chông rồi sau đó ra Phú Quốc. Tại đây Nguyễn Trung Trực đã lập căn cứ để chống Pháp... Gần 3 tháng sau, quân Pháp cùng với đạo quân của tên việt gian Huỳnh Công Tấn tiến đánh Phú Quốc. 300 nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Nguyễn Trung Trực đã kiên cường chiến đấu chống giặc, tiêu biểu là 2 trận đánh tại Hàm Ninh, máu của nghĩa quân đã đổ quyết chiến với quân thù. Đến ngày 27-10-1868, do sức yếu, thế cô, Nguyễn Trung Trực bị giặc bắt. Tuy vậy, giặc Pháp vẫn rất khâm phục ý chí và tinh thần quả cảm của ông. “Trong lúc bị bắt ông không phút nào mất tinh thần, mạnh dạn và hiên ngang... Ông chỉ yêu cầu một ân huệ là được xử tử hình ngay tức khắc”(1).
Trước khi bị giặc đưa đi hành hình, Ông đã hiên ngang nói thẳng vào mặt giặc Pháp: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.
Để cai trị và bóc lột nhân dân Phú Quốc, giặc Pháp lập trên đảo một bộ máy cai trị, đứng đầu là tên chủ quận người Pháp. Mục đích cai trị của thực dân Pháp là nhằm khai thác, vơ vét các nguồn lợi để phục vụ cho lợi ích của chúng. Người Việt chủ yếu sống bằng nghề làm biển (đánh cá, câu thẻ...), làm nước mắm. Một số ít làm vườn rẫy, mua bán và làm thuê, làm mướn để sống như đi bán lưới hoặc đi bán nước mắm với chủ. Ngoài những việc bị chính quyền thực dân gây khó dễ, những người sản xuất nước mắm ở Phú Quốc còn gặp khó khăn do bị các thương nhân trong đất liền chèn ép. Mặc dù cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực bị thất bại, nhân dân Phú Quốc vẫn luôn chất chứa nỗi khát khao độc lập, tự do nhưng chưa có điều kiện bùng dậy mà chỉ là những đốm lửa nhỏ, chưa đủ làm thành một đám cháy lớn.
Giữa năm 1929, cô giáo Trần Thị Lẹ (thường gọi là cô giáo Lư) từ Cao Lãnh đặt chân đến đảo Phú Quốc. Cô bị chính quyền thực dân tỉnh Sa Đéc thuyên chuyển ra đảo vì bị tình nghi hoạt động “quốc sự” có thể làm phương hại cho nhà cầm quyền. Đến đảo, cô vẫn tiếp tục dạy học và thường khơi gợi cho học sinh về tình yêu quê hương, đất nước. Trên cơ sở đó mà tuyên truyền, giáo dục tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm... cho học sinh và nhân dân ở đảo. Nhưng thời gian hoạt động của cô ở đảo không bao lâu thì đầu năm 1930, cô bị Pháp bắt đưa về giam ở Khám Lớn - Sài Gòn rồi sau đó đày ra Côn Đảo... Hình ảnh của cô mãi mãi ghi sâu trong lòng người dân nơi đây.
Năm 1931, ở Phú Quốc xuất hiện một phong trào gọi là “Hội kín”(2). Hội này tập hợp hội viên chủ yếu là người gốc Hoa, phần đông là những người nghèo. Có thể nói, đây là một tổ chức tự phát của người nghèo, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn, chống lại bọn cường hào và nếu có dịp thì nổi lên chống lại bọn cầm quyền ở địa phương.
Do ảnh hưởng sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ở chính quốc, nhiều tên tư sản thực dân ở thuộc địa liên tiếp bị phá sản. Tác động tình hình đó càng làm cho cuộc sống hết sức cơ cực; lại luôn bị áp bức nên tháng 5 năm 1932, số công nhân này đã tổ chức đấu tranh. Trước thái độ kiên quyết của công nhân, bọn chủ thực dân buộc phải chấp nhận những yêu sách chính đáng, cải thiện công ăn việc làm cho họ.
Cuộc đấu tranh giành được thắng lợi, có tiếng vang trong các tầng lớp nhân dân trên đảo, nhất là các công nhân đồn điền, gây cho họ ý thức đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Cuộc đấu tranh này còn gây tiếng vang lớn ra khắp miền Tây. Và rất có ý nghĩa trong thời kỳ này, thời kỳ cách mạng nước ta gặp vô vàn khó khăn trước sự đàn áp, khủng bố trắng của thực dân, đế quốc; đồng thời vạch trần bản chất vô nhân đạo của chúng, cổ vũ tinh thần đấu tranh của các tầng lớp nhân dân.
Đến cuối năm 1936, tại đồn điền Cây Dừa, Phú Quốc, tiếp tục xảy ra cuộc nổi dậy của công nhân chống lại sự hà khắc, bóc lột của bọn cai ký. Một số công nhân đã cùng nhau bắt trói tên Diễn, giữ ở Suối Lớn (Cây Dừa) suốt mấy ngày đêm; buộc hắn phải làm tờ cam đoan không được hà hiếp, nhũng loạn công nhân thì mới được tha. Hắn phải chấp nhận và từ đó không còn dám lộng hành như trước.
Cuối năm 1940, quân Nhật đến Phú Quốc. Nhân dân ta sống lầm than trong cảnh “một cổ hai tròng”, ngày càng cơ cực, phát xít Nhật còn tàn ác hơn cả thực dân Pháp. Chúng ra sức vơ vét của cải và bóc lột sức người phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của chúng bằng những biện pháp rất tàn ác.
Trong tình hình đó, những năm 1941-1944, ở Phú Quốc có thầy giáo Đoàn Phong từ đất liền ra đảo dạy học. Thầy khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương, truyền thống chống ngoại xâm của nhân dân ta cho thanh niên. Một số thanh niên được thầy giáo dục, sau đó trưởng thành, sớm đứng vào hàng ngũ cách mạng và trở thành những người cộng sản lớp đầu của đảo.
Vùng lên giành chính quyền
Ngày 09-03-1945, phát xít Nhật hất cẳng thực dân Pháp để độc chiếm Đông Dương. Giữa tháng 3-1945, Nhật đem hơn 100 quân đổ bộ lên Bãi Dinh (Dương Đông) để đánh Pháp, chiếm Phú Quốc.
Phát xít Nhật nhanh chóng sắp xếp lại bộ máy cai trị trên đảo, với lực lượng quân sự làm nòng cốt. Một mặt, chúng vơ vét tài lực trên đảo, lo củng cố hậu cần để chuẩn bị tiếp tục đánh nhau với quân Đồng Minh ở một số mặt trận phía Tây Nam; mặt khác, chúng huyênh hoang tuyên truyền trong dân chúng về thuyết “Đại Đông Á”, “Đồng văn, Đồng chủng” (cùng văn hóa, cùng chủng tộc)...
Tháng 8 năm 1945, phong trào cách mạng do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo đã ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân và thu hút đông đảo quần chúng vào hàng ngũ cách mạng. Phong trào Thanh niên Tiền phong, do thầy giáo Nguyễn Ngọc Lầu phát động, được chủ tỉnh Tạ Trung Cang ủng hộ, phát triển mạnh. Một số thanh niên, học sinh... của Phú Quốc, có tham gia hoặc hiểu biết về phong trào này đã trở về đảo tuyên truyền, vận động làm bừng lên một không khí mới trong nhân dân. Tại Dương Đông, một số người như Huỳnh Văn Thảnh, Nguyễn Văn Xệ... đã đứng ra thành lập tổ chức Thanh niên Tiền phong. Các cuộc sinh hoạt tập thể, các hoạt động xã hội của Thanh niên Tiền phong đã lôi cuốn được nhiều quần chúng, nhất là lớp trẻ trên đảo.
Ngày 09-08-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Ngày 15-08-1945, Nhật chính thức đầu hàng. Đảng ta đã chớp thời cơ, phát động toàn dân vùng lên khởi nghĩa thắng lợi, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật.
Ở Phú Quốc, giữa tháng 8 năm 1945, khi biết đã đại bại, Trung đội lính Nhật ở Đông Dương không có hành động gì. Chúng cuốn cờ rồi đi bộ qua Hàm Ninh, lấy ghe về Hà Tiên, qua Cămpuchia rồi về Sài Gòn. Số tay sai của chúng còn lại như rắn mất đầu, hoang mang và tê liệt. Nhân dân trên đảo rất phấn khởi vì bộ máy cai trị của địch đã tan rã.
Ngày 28-08-1945, tại thị xã Hà Tiên, nhân dân giành được chính quyền một cách thuận lợi, trọn vẹn mà không đổ máu. Được tin này một số thành viên tích cực trong Thanh niên Tiền phong ở Phú Quốc quyết định vận động tổ chức một cuộc mít tinh lớn của quần chúng tại Dương Đông. Đầu tháng 9 năm 1945, hàng ngàn người từ Hàm Ninh, Bãi Bổn kéo sang, từ Cửa Cạn, Ông Lang kéo xuống, từ Dương Tơ, Bàng Quì kéo lên... với băng cờ, khẩu hiệu, gậy gộc, đao kiếm... rầm rộ tiến về Dương Đông. Đoàn người kéo đến dinh quận và nhà làng, giương cao những khẩu hiệu viết chữ đủ màu trên những tấm đệm buồm đan bằng lá buông trắng, hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo Nhật - Pháp”, “Việt Nam độc lập muôn năm”... Cả rừng người với cờ, băng, khẩu hiệu tạo nên một khí thế tưng bừng chưa từng có trên đảo. Đó cũng là sự biểu dương lực lượng của toàn dân trên đảo.
Sự kiện này là một bước ngoặt lịch sử, đánh dấu việc nhân dân Phú Quốc đã giành được độc lập tự do trên đất đảo thân yêu. Điều đó có nghĩa là cùng với toàn dân Việt Nam, nhân dân Phú Quốc đã được đổi đời; từ thân phận người dân nô lệ trở thành người tự do, làm chủ biển cả, núi rừng, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Cùng cả nước tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Giữa tháng 01-1946, sau khi xâm chiếm nước ta một lần nữa, giặc Pháp tiếp tục mở rộng vùng lấn chiếm ở miền Tây Nam Bộ.
Tại Phú Quốc, những ngày đầu tháng 4 năm 1946, không khí giặc giã bao trùm lên đảo.
Gần 80 năm sống dưới ách nô lệ của thực dân Pháp và chỉ mới hơn nửa năm được sống trong độc lập - tự do, tuy việc xây dựng quê hương, xây dựng cuộc sống mới trên đảo chưa đạt được như mong muốn, nhưng nhân dân Phú Quốc vô cùng thấm thía giá trị của độc lập tự do. Vì vậy, bấy giờ trẻ già, trai gái đều hăng hái tham gia luyện tập chiến đấu, tổ chức canh gác, cùng lực lượng vũ trang chuẩn bị chống thực dân Pháp khi chúng trở lại xâm lược đất đảo. Mặc dù giặc Pháp đã gửi “tối hậu thư” ra Phú Quốc kêu gọi quân dân trên đảo buông vũ khí, đầu hàng. Nhưng nhân dân đã tổ chức một cuộc mít tinh tuyên án tử hình bọn Việt gian, biểu thị tinh thần bất khuất, quyết tâm chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được.
Ngày 14-04-1946, thực dân Pháp sử dụng tiểu đoàn 1 bộ binh cơ động (BM/1RTA) cùng 10 tàu lớn, nhỏ ra đánh Phú Quốc. Rạng sáng hôm sau, 15-04-1946 (ngày 14-03 âm lịch), giặc Pháp đổ bộ, tái chiếm quận lỵ Phú Quốc. Khi chiếm được quận lỵ, giặc Pháp cho truy lùng bắt bớ nhiều người. Trong đó có đồng chí Trần Ngọc Tấn và Trần Quang Du ở bộ phận Binh công xưởng... Giặc Pháp đem một số người, trong đó có đồng chí Trần Ngọc Tấn và đồng chí Trần Quang Du ra xử bắn tại nơi chúng đóng quân (gần cầu Đoan). Hai đồng chí Tấn và Du trước khi hy sinh đã dõng dạc hô to: “Đả đảo giặc Pháp xâm lược”. “Hồ Chí Minh muôn năm”. Sự hy sinh anh dũng của các đồng chí Tấn và Du đã để lại trong lòng người dân đảo sự khâm phục khí phách hào hùng của người cộng sản.
Đồng chí Phan Nhung là đảng viên từ đất liền ra đảo. Ngày 5 tháng 6 năm 1946, sau khi liên hệ được với một số cán bộ, đảng viên, đồng chí quyết định tổ chức diệt tên quận trưởng Arriguit tại nơi làm việc của hắn. Nhưng do đạn lép, đồng chí phải rút lui.
Sau khi hoàn hồn, tên quận trưởng đuổi theo và bắn đồng chí Phan Nhung. Trước khi hy sinh, đồng chí Phan Nhung còn kịp hô lớn: “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Sự hy sinh của đồng chí đã gây được tiếng vang, cổ vũ tinh thần kháng chiến trong các tầng lớp nhân dân trên đảo(3).
Tháng 8-1946, đồng chí Huỳnh Thành Nghĩa cùng một số đồng chí như: Ba Nghĩa, Tư Lượng, Tư Tên, Ba Hiệp, Ba Bùa, Hai Moon... đã quyết định thành lập lực lượng vũ trang của Phú Quốc với 4 súng mít, cùng 40 viên đạn (số vũ khí này tịch thu từ tay bọn áp giải tù). Đơn vị do đồng chí Huỳnh Thành Nghĩa chỉ huy. Có thể nói lực lượng vũ trang của Phú Quốc, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, từ đây được chính thức ra đời.
Ngày 04-10-1946 (10-9 âm lịch), đơn vị vũ trang của Phú Quốc đã tổ chức đánh hãng Cây Dừa (đồn điền dừa ở Cây Dừa). Chỉ sau vài tiếng súng của ta bọn lính đã bỏ đồn trốn chạy. Quân ta đốt đồn, thu được 10 súng và một số đạn, đồng thời tịch thu kho lương thực, đường, muối, vải... đem chia cho một số gia đình công nhân. Ta thiêu hủy tất cả giấy tờ, sổ sách của đồn điền; đặc biệt tuyên bố giải tán đồn điền, giải phóng số công nhân lao động ở đây... Một số thanh niên công nhân đã hăng hái tình nguyện gia nhập vào đơn vị “Bộ đội Phú Quốc”. Sau đó, hầu như toàn bộ công nhân và gia đình đã rời Cây Dừa về xây dựng cuộc sống mới ở vùng Dương Tơ, Khu Tượng. Những khu vực hoang sơ, vắng vẻ trước đó như Suối Cau, Cầu Cũ... lúc này bắt đầu hình thành những cụm dân cư mới với một số từ Cây Dừa chuyển lên và một ít từ thị trấn Dương Đông tản cư ra.
Đêm 06-10-1946 (tức 12-9 âm lịch), một đơn vị, với quân số gần 1 trung đội, hầu hết đều giỏi võ thuật, do đồng chí Diệp Văn Dần (Ba Dần) chỉ huy, quyết định tập kích đồn Hàm Ninh để lấy súng bổ sung trang bị cho lực lượng. Trận này ta thu được 14 súng trường, 1 trung liên, hơn 1.000 viên đạn và lựu đạn cũng như toàn bộ quân trang, quân dụng trong đồn. Chiến thắng đồn Hàm Ninh gây được tiếng vang về lực lượng vũ trang Phú Quốc, gần như tay không, đoạt được đồn giặc.
Như vậy, lúc này, Phú Quốc có hai đơn vị vũ trang hoạt động độc lập, một đơn vị ở tại đảo “Bộ đội Diệp Văn Dần” và một đơn vị ở hòn Sơn Rái: “Bộ đội Huỳnh Thành Nghĩa” Cuối tháng 10 năm 1946, tại địa điểm Cầu Cũ, Dương Tơ, Trung đội 2 Vệ quốc Đoàn Phú Quốc được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị vũ trang kể trên, do đồng chí Huỳnh Thành Nghĩa làm Trung đội trưởng.
Sáng 25-10-1946, hàng ngàn quần chúng từ các làng trong quận tập hợp tại địa điểm Cây Số 3, đường Hàm Ninh - Dương Đông, tổ chức diễu hành ra chợ Dương Đông, nơi đóng trụ sở cơ quan đầu não của địch và mít tinh tại đấy. Kết thúc cuộc mít tinh, đoàn người nối nhau dài hàng cây số, đã làm thành cuộc tuần hành biểu dương lực lượng. Quần chúng vừa đi vừa trương băng cờ và hô vang các khẩu hiệu: “Hoan nghênh Tạm ước 14-09”, “Hoan nghênh tinh thần Việt - Pháp thân thiện”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”...
Sau cuộc biểu dương lực lượng vào cuối tháng 10 năm 1946 và nhất là sau một loạt chiến thắng của các lực lượng vũ trang của ta, giặc Pháp trên đảo thực sự hoang mang. Phong trào kháng chiến của đảo tiếp tục phát triển.
Tuy vậy, trước những hành động xâm lược của giặc Pháp, ngày 18 và đêm 19-12-1946, Hội nghị Trung ương Đảng quyết định phát lệnh toàn quốc kháng chiến.
Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước kháng chiến.
Sáng ngày 20-12-1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp đất nước: “... Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Phú Quốc càng ra sức kháng chiến.
Tháng 11 năm 1947, được tin báo giặc càn quét, cướp phá xóm làng, Trung đội 2 của huyện đang ở Khu Tượng, liền hành quân tức tốc xuống đón giặc tại Đường Bàu tiêu diệt và làm bị thương một lúc hàng chục tên. Chúng hốt hoảng, rối loạn, quân ta xung phong tiêu diệt địch. Có ba tên lội ra biển định trốn, nhưng sau đó hai tên bị du kích xã Dương Tơ bắt được tại Dương Cờ, tên còn lại bị đơn vị nữ dân quân Dương Tơ bắt tại Bàu Phong. Giữa lúc trận đánh đang căng thẳng, đồng bào Bàng Quỳ kẻ dao người mác tự đến tiếp viện, hò reo cổ vũ, làm tăng thêm khí thế chiến đấu của quân ta.
Kết quả trận này ta diệt gọn một trung đội giặc, trong đó có tên Vệ Tòng, thu 21 súng cùng nhiều đạn dược. Đồng bào rất phấn khởi trước việc bọn gian ác bị trừng trị đích đáng. Các cơ quan, từ ủy ban nhân dân, Mặt trận đến các đoàn thể quận, làng và đông đảo nhân dân biết tin chiến thắng đã đến chung vui, mừng thắng lợi.
Đây là một trận thắng có ý nghĩa rất lớn. Với trận này, ta đã cơ bản đập tan âm mưu của địch dùng lực lượng Cao Đài Tây Ninh vũ trang chống phá phong trào kháng chiến của quân dân ta trên đảo.
Với điều kiện địa lý của đảo, Đảng bộ và quân dân Phú Quốc ra sức phát huy tinh thần tự lực, tự cường xây dựng thực lực để tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến.
Phong trào quần chúng phát triển khá mạnh. Cùng với cấp huyện, các xã đều có tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Mặt trận Liên -Việt. Xã Dương Tơ còn có Hội Giải liên (Hoa kiều Giải phóng Liên hiệp Hội). Hội Phụ nữ thành lập được Ban Chấp hành ở xã và Ban Cán sự ở ấp, cùng phối hợp với một số tổ chức quần chúng vận động hội viên tham gia các công tác tiếp tế gạo, thuốc men, lạc quyên... chuyển vào vùng kháng chiến. Ở xã, còn có những hình thức tổ chức tập hợp quần chúng theo sở thích hoặc công việc như hội đình, hội chùa, hội dinh, hội đá bóng, hội vô lây (bóng chuyền)... Thiết thực nhất là tổ chức vạn vần đổi công, đồng bào giúp nhau trong sản xuất, công việc hàng ngày; tích cực góp phần xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn.
Đặc biệt Hội Mẹ chiến sĩ hoạt động có nhiều kết quả với nhiều tấm gương điển hình về chăm lo, săn sóc, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhất là thương binh, bệnh binh...
Các xã cũng đều có xã đội, có trung đội du kích bán thoát ly, có nhiều trung đội dân quân, nam và nữ. Phần lớn các ấp có ấp đôi. Lực lượng nữ dân quân không kém gì nam giới, cũng hăng hái luyện tập chiến đấu, đào mương, đắp lộ, canh giữ xóm làng.
Với những hoạt động như vậy, Đảng bộ và quân dân trên đảo đã làm thất bại chính sách bao vây, phong tỏa về kinh tế của thực dân Pháp đối với cuộc kháng chiến của quân dân trên đảo.
Gần cuối năm 1949, giặc Pháp cho tăng cường các biện pháp canh phòng nghiêm ngặt vùng biển Rạch Giá - Hà Tiên để tiếp tục phong tỏa Phú Quốc, ngăn cách đảo với đất liền cũng như ngăn ngừa sự tiếp viện của ta từ nước ngoài về. Đồng thời với việc phong tỏa kinh tế trên đảo, giặc vừa tìm cách bưng bít thông tin về tình hình kháng chiến của quân dân ta trong đất liền. Do bị giặc phong tỏa gắt gao, vùng tự do của ta có nguy cơ bị nạn đói. Bấy giờ, nhiều cán bộ có cùng nhận xét: “Được ăn một bữa cơm giống như được ăn một đám giỗ!”.
Huyện ủy có cuộc hội nghị mở rộng nhằm giải quyết tình hình trên; phân công cán bộ đi vận động các phương tiện tư nhân tìm cách tiếp tế gạo cho ta, từ cả vùng địch tạm chiếm chuyển vào; phát động cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tăng gia sản xuất, vỡ đất làm rẫy nhưng đồng thời phải giữ rừng... Thực hiện chủ trương này, huyện đã khuyến khích, tạo điều kiện cho một số tư nhân chở gạo từ đất liền ra bán cho đảo. Gạo và một số hàng hóa đã được chở ra từ Miệt Thứ, Lại Sơn, cả từ Cao Miên được ta dự trữ, cất giấu ở Hàm Ninh. Các xã Dương Tơ, Cửa Dương xuống Hàm Ninh mua và nhận gạo. Mặt khác, một số gạo không nhỏ đã được quần chúng và cơ sở cách mạng vận chuyển vào qua một số binh lính ở các đồn bót mà ta tranh thủ được. Điều này cho thấy lực lượng cách mạng ở Phú Quốc đã biết dựa vào dân để giải quyết những khó khăn, nhất là trong thời điểm khắc nghiệt của cách mạng.
Nhưng cũng trong gian đoạn lịch sử này, có thể nói, từ hai bàn tay trắng, nhân dân Phú Quốc đã nhanh chóng tạo dựng cho mình một thực lực khá căn cơ và vững chắc, nhất là về tổ chức Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, các đoàn thể quần chúng... từng bước lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương cũng như trực tiếp góp phần với đất liền, với các cấp trên và ngày càng giành được những thắng lợi có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn đầu kháng chiến của huyện đảo. Bên cạnh đó, phong trào cách mạng của Phú Quốc trong giai đoạn này đã sớm được sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Khu ủy, Quân khu, ban ngành các cấp... tạo đà cho sự trưởng thành, phát triển đi lên của Đảng bộ, quân dân Phú Quốc trong buổi đầu mới mẻ, còn nhiều khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1950, cùng với 30.000 tàn quân Quốc dân Đảng được đưa đến đảo, thực dân Pháp triển khai việc xây dựng đảo Phú Quốc thành một căn cứ mà chúng gọi là “Biệt khu Phú Quốc” nhằm moi viện trợ của đế quốc Mỹ để tiếp sức cho chúng tiếp tục chiến tranh và uy hiếp thường xuyên hậu phương ta ở địa bàn Khu 9. Chỉ trong mấy ngày, tương quan lực lượng trên đảo đã thay đổi một cách đột ngột và quá chênh lệch. Đảng bộ và quân dân huyện đảo Phú Quốc phải đối mặt trước một tình hình hết sức gay go, phức tạp và bất lợi.
Thời gian này, tuy tình hình có nhiều khó khăn phức tạp nhưng Đảng bộ Phú Quốc quyết tâm khắc phục, kiên trì ứng phó linh hoạt, đã nắm được một số sĩ quan, phân hóa nhiều tên trong hàng ngũ của chúng; ngăn chặn được nhiều hành động cướp bóc, càn quấy vào vùng căn cứ kháng chiến của ta, làm thất bại nhiều cuộc lùng sục của chúng vào vùng giải phóng. Ta cũng đã sử dụng được khá đông lực lượng của chúng để làm thuê cho nhân dân trong công việc sản xuất: Lật đất đồng tranh để trồng khoai, đậu, hoa màu... Đặc biệt, ta đã thỏa thuận được với chúng đưa đại diện lập mối quan hệ giữa đôi bên; thông qua thương lượng, đàm phán mà ngăn chặn được các cuộc xung đột, trong khi chúng thường tìm cớ để gây hấn với ta... Nhờ đó, ta bảo vệ được lực lượng, bảo vệ được dân, bồi dưỡng, giữ vững được phong trào kháng chiến trong suốt thời gian chúng có mặt trên đảo trong điều kiện tương quan lực lượng giữa ta và chúng rất chênh lệch, rất bất lợi cho ta. Đảng bộ đã biết phát huy sức mạnh của nhân dân, vừa tranh thủ, vừa đấu tranh và cả lợi dụng những mâu thuẫn của địch, kiên trì đấu tranh và giành được nhiều kết quả tốt. Đây là một thắng lợi đặc biệt và to lớn của Đảng bộ, quân dân Phú Quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đến ngày 23-05-1953, gần 30.000 tàn quân Quốc dân đảng rút đi. Nhưng ngay sau đó, thực dân Pháp đưa ra Phú Quốc một số tù binh - vốn là cán bộ, chiến sĩ ta bị địch bắt trong các trận đánh, các cuộc hành quân càn quét, ruồng bố... giam tại Căng (trại giam) Cây Dừa. Nơi này là doanh trại cũ của bọn Quốc dân đảng, thực dân Pháp cho sửa sang lại để làm trại giam. Từ tháng 7 năm 1953 đến cuối tháng 10 năm 1953, số lượng tù nhân được đưa đến từ 3.000 đã tăng lên đến 7.000 người. Vừa đến nơi, lợi dụng lúc địch còn sơ hở trong việc canh phòng, chi bộ tù nhân (được thành lập từ lúc còn trong đất liền) đã lãnh đạo, tổ chức vượt ngục. Trong vòng 3 tháng đã vượt ra được hơn 100 người.
Thời gian này, khi bọn địch ở Dương Đông phải lo đối phó với các hoạt động của ta ở khu vực tiếp giáp Gành Gió, sân bay Dương Đông, thì vào ngày 27-10-1953, bộ đội ta từ căn cứ Cửa Dương vòng qua Dương Đông bí mật luồn sâu xuống Nam đảo phục kích tại rừng cao su Cây Dừa, diệt gọn một trung đội tuần tra của địch, thuộc tiểu đoàn 505 khinh quân, bắt sống 9 tên, thu 14 súng (có 1 trung liên, 2 garant, 2 carbine và 9 thompson). Trận này vừa gây được tiếng vang lớn, vừa có ý nghĩa báo tin cho cán bộ, chiến sĩ ta đang bị địch giam giữ trong nhà lao Cây Dừa biết có hoạt động kháng chiến của quân dân trên đảo; đồng thời là một trận thắng lớn, có ý nghĩa cổ vũ quân dân toàn huyện ra sức lập công.
Đầu tháng 5 năm 1954, chiến trường cả nước sôi động bước vào thời điểm cuối của Chiến dịch Đông - Xuân. Đặc biệt mặt trận Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi vang dội: Toàn bộ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương này bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn vào ngày 07-05-1954.
Ở Phú Quốc, tin chiến thắng Điện Biên Phủ lan về càng cổ vũ phong trào kháng chiến của nhân dân. Theo lời kêu gọi của Đảng, của Mặt trận Liên Việt, nhân dân náo nức góp công, góp của ủng hộ kháng chiến.
Tóm lại, trong giai đoạn 1950-1954, Đảng bộ Phú Quốc đã gặp khó khăn tưởng chừng khó có thể vượt qua được, nhất là thời kỳ đầu khi tàn quân Quốc dân đảng đến đảo... Đây là một cuộc “đương đầu lịch sử” của nhân dân Phú Quốc. Nhưng bằng tình yêu quê hương vô bờ bến, với ý chí tự lực tự cường, tinh thần bất khuất, sáng tạo, quyết đoán, được sự quan tâm lãnh đạo cũng như trực tiếp chỉ đạo của cấp khu, tỉnh, Đảng bộ và quân dân Phú Quốc đoàn kết một lòng, gắng sức vượt qua khó khăn, từng bước giành lấy thắng lợi cuối cùng, hoàn thành một cách vẻ vang cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược trên quê hương đất đảo.
(1) Monographie de la province de Ha Tien, 1929-1930
(2) Nhân dân thường gọi nhầm là “Thiên địa Hội”
(3) Sau đó, tên của đồng chí được đặt tên cho Đảng bộ Quận: “Quận bộ Phan Nhung” (trong kháng chiến chống Pháp).
Minh Thu (st)
Còn nữa