Hệ thống Trợ năng

Đalila Caxenli (Pháp)

Trong đời hoạt động cách mạng của tôi (43 năm), tôi đã có hạnh phúc được ở gần năm chiến sĩ cộng sản lỗi lạc: Mácxen Casanh, Pôn Vayăng Cutuayriê, Môrixơ Tôrê, Giắc Đuyclô, và Hồ Chí Minh. Một trường học phong phú biết bao đối với một chiến sĩ cách mạng.

toi lam thu ky
Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Pa-ris năm 1946

Một trong những dịp mật thiết là dịp cho phép tôi cộng tác với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi là Thư ký của Người suốt thời gian cuộc thương lượng ở Phông-ten-nơ-blô, năm 1946. Chúng tôi ở khách sạn Ngôi Sao. Hàng ngày tôi sắp xếp báo chí mà Người theo dõi. Chúng tôi thảo luận về những diễn biến của cuộc đàm phán. Qua những lúc trò chuyện, tôi cảm thấy Người yêu quý đất nước của mình hơn hết, và Người âu yếm biết bao các cháu thiếu nhi. Người nhắc đến những cái đó với biết bao nhân ái. Gương mặt Người rạng rỡ lên.

Người hiền hòa, lanh lợi, rất tế nhị, đồng thời rất kiên quyết. Người ân cần thăm hỏi sức khỏe của cha mẹ già tôi, nhất là cha tôi. Và mỗi lần như thế, mắt Người lại tươi cười, vì tôi đã kể một giai thoại về cha tôi cho Người nghe. Thật thế, khi cha tôi làm thợ giầy ở Lôdan, ông đã được biết Lê-nin. Ông nom thấy Lê-nin bước vào cửa hàng của mình với vẻ lo lắng, vì Lê-nin đem đến cho ông đôi giầy độc nhất bị hỏng gần như không sửa chữa được. Nhưng Lê-nin tỏ ra đáng mến và trông Người thiếu thốn đến nỗi cha tôi - bản chất ông cũng là người tốt - phải nén một tiếng thở dài và bắt tay vào sửa đôi giầy. Câu chuyện đó làm Hồ Chủ tịch cười hoài, vì Người cũng đã trải qua những lúc khó khăn như vậy.

Cuộc đàm phán có nhiều trở ngại, và Hồ Chủ tịch lại rất muốn giảm bớt sự đau khổ cho nhân dân nên Người có ý lo nghĩ.

Người tiếp khách nhiều. Một hôm Người cử tôi đến nói với Ximon Têry - viết Báo Nhân đạo - hãy vui lòng tiếp chuyện Người. Tôi còn nhớ, Ximon Têry cần dậy sớm - trong khi làm báo bà ta lại ngủ muộn. Tuy vậy, việc đó là một niềm hân hoan đối với Ximon Têry.

Một hôm khác, Người cử tôi đến nói với Ilya Êrenbua, nhà văn Xôviết vừa ghé qua Pa-ris, vui lòng gặp Người, nhưng kín đáo một chút, vào một giờ rất sớm.

Tôi gặp lại Ilya Êrenbua trong căn phòng rộng của khách sạn, thú vị với giờ giấc đã được ấn định. Ông vui vẻ cho biết, ông không thể biến thành màu sắc của bức tường, dù là lúc sáng sớm, nhưng ông rất hoan hỉ đến chỗ hẹn. Đấy là một chút bí mật mà Hồ Chủ tịch mong muốn.

Rõ ràng là cần phải thận trọng. Căn nhà này có nhiều bóng người qua lại, những cái tai tọc mạch lê la khắp mọi nơi, và những cuộc thảo luận về chính trị quan trọng nhất đã diễn ra trong phòng Người..

Trích từ sách: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1981

Thúy Hằng (st)

Bài viết khác: