Hệ thống Trợ năng

Trong ánh nắng chan hòa của những ngày thu Tháng Tám lịch sử, chúng tôi tìm về xã Cổ Tiết (huyện Tam Nông), xã Chu Hóa (TP Việt Trì) và thị xã Phú Thọ - những nơi đã từng lưu dấu chân Người để được nghe thật nhiều những câu chuyện kể về Bác, về những ngày Bác đã sống và làm việc tại Phú Thọ. Ở mỗi địa phương nơi Bác từng đến, chính quyền và nhân dân đoàn kết, một lòng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp theo lời của Bác, như sinh thời Người đã về thăm mảnh đất và con người nơi đây.

Cổ Tiết – nơi lưu dấu chân Người

Về Cổ Tiết (huyện Tam Nông) trong những ngày Tháng Tám lịch sử này, chúng tôi gặp ánh mắt, nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt những người dân nơi đây – nơi Bác Hồ kính yêu đã dừng chân, làm việc trong hành trình lên Thủ đô kháng chiến năm 1947. Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trên đất của ngôi nhà xưa dường như vẫn ấm nóng hơi Người, như nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân xã Cổ Tiết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp xứng đáng với truyền thống của cha ông.

nhung-noi-ghi-dau-1
Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông

Nằm giữa những tán cây xanh, Khu tưởng niệm Hồ Chủ tịch ở xã Cổ Tiết toát lên một vẻ vừa bình dị vừa trang nghiêm và rất đỗi yên bình. Cổ Tiết là nơi Bác Hồ dừng chân từ ngày 4/3 đến ngày 18/3/1947 trên chặng đường Người từ Hà Nội lên Việt Bắc. Trong thời gian lưu lại đây, Bác đã dành thời gian đọc cuốn Việt Nam sử lược, nghiên cứu cách đánh giặc của các vị anh hùng dân tộc, tận dụng thời gian sửa chữa và hoàn chỉnh nhiều văn bản, văn kiện quan trọng. Cũng trong thời gian này, những cái tên “Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi của các đồng chí trong tiểu đội tuyên truyền vũ trang phục vụ Bác cũng ra đời với ý nghĩa nhắc nhở Người nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là cùng toàn Đảng, toàn quân ta tiến hành cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

Đồng chí Đỗ Sỹ Tiến - Bí thư xã Cổ Tiết cho biết: 68 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Cổ Tiết vẫn luôn một lòng phấn đấu, thực hiện tốt những lời dạy của Bác. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ xã có 20/22 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu, trong đó có nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, gióp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng địa phương trở thành xã giàu mạnh của huyện Tam Nông. Nếu như cách đây 5 -7 năm, Cổ Tiết là một xã nông nghiệp thuần túy, đến nay trên địa bàn đã có hàng trăm cơ sở tiểu thủ công nghiệp chế biến lâm sản làm mộc, cưa xẻ, cơ khí… Nhờ phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ mỗi năm tạo ra giá trị sản lượng hai lĩnh vực này đạt  60 - 70 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng xấp xỉ 70% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn; thu hút hàng trăm lao động làm việc thường xuyên, đưa tỉ lệ giải quyết việc làm mới đạt 117,5%; nâng thu nhập bình quân đầu người từ  12 triệu đồng năm 2011 lên gần 22 triệu đồng năm 2015, giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 7,4%  xuống còn 3,1%, tăng tỉ lệ hộ giàu chiếm khoảng 20% số hộ. Xã có 100% trường học, trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia; các chỉ tiêu xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa, an ninh trật tự, các chi bộ và Đảng bộ trong sạch vững mạnh… đều đạt mục tiêu. Những tiến bộ vượt bậc về kinh tế - xã hội của Cổ Tiết hôm nay đã cho thấy sức sống, sự vươn lên mãnh liệt của nhân dân, phấn đấu vươn lên xây dựng địa phương ngày một giàu đẹp.

Chu Hóa ngày mới

Theo chân đồng chí Hà Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Chu Hóa, chúng tôi tới thăm Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Chu Hóa (TP Việt Trì). Những hiện vật quý như: Chiếc mâm gỗ, bộ tràng kỷ tre, tấm phản và nhiều hiện vật khác mà cách đây 68 năm Bác đã dùng để phục vụ sinh hoạt hàng ngày và làm việc được giữ gìn tôn nghiêm, sạch đẹp. Tất cả như vẫn còn đây hơi ấm của Người, vẫn hiển hiện hình ảnh của Bác Hồ kính yêu cao cả mà bình dị, suốt đời cống hiến, hy sinh vì dân, vì nước. Trong 11 ngày (từ 19 đến 29/3/1947) ở và làm việc tại nhà của ông Nguyễn Văn Sỹ (xóm Hòe, thôn Chu Hóa, xã Chu Hóa) trên đường từ Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã trực tiếp soạn thảo, đánh máy, ký ban hành nhiều văn bản quan trọng; viết thư, điện gửi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân; chủ trì một số cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ. Trong những văn kiện đó có nhiều sắc lệnh quan trọng và tác phẩm "Đời sống mới", thư cảm ơn đồng bào và bài viết trả lời các nhà báo trong nước về cuộc tranh luận về vấn đề Việt Nam tại Quốc hội Pháp, thư gửi Báo Vệ Quốc Quân…

nhung-noi-ghi-dau-2
Chu Hóa với diện mạo mới, hòa nhịp vào bước phát triển của thành phố Việt Trì anh hùng

Trong câu chuyện về việc bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, phát huy giá trị của Khu Di tích, anh Thắng trao đổi thêm với chúng tôi: Là nơi trực tiếp được giao nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn Khu Di tích, xã đã thành lập Ban Quản lý Khu Di tích với 11 thành viên. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về ý nghĩa và giá trị to lớn của Khu Di tích; vận động các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân chung tay bảo vệ, giữ gìn, xây dựng Khu Di tích, xã còn giao cho lực lượng công an, đoàn thanh niên, các trường Tiểu học và THCS huy động đoàn viên thanh niên, học sinh thường xuyên vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan, đảm bảo ANTT trong và ngoài khu vực Khu Di tích. Anh Thắng cũng cho biết, xã đã xây dựng quy hoạch nhằm tôn tạo, trùng tu Khu Di tích cho xứng tầm với vị thế và ý nghĩa của Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Kể từ khi được vinh dự đón Bác về ở và làm việc, Đảng bộ và nhân dân Chu Hóa luôn khắc ghi lời Bác dạy, đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, xây dựng quê hương giàu đẹp. Chỉ riêng năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt ngưỡng gần 20 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt xấp xỉ 7,6 tỉ đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,06%; văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh – quốc phòng được củng cố và giữ vững; công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị được tăng cường...

Tự hào là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử Bác về ở và làm việc, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ mãi học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tin tưởng rằng không xa nữa Chu Hóa sẽ có một diện mạo mới, hòa nhịp vào bước phát triển của thành phố Việt Trì anh hùng.

Xây dựng thị xã Phú Thọ trở thành thành phố vào năm 2016

Phú Thọ vinh dự nhiều lần được đón Bác về thăm, làm việc và lãnh đạo kháng chiến. Sau hòa bình lập lại, do đạt nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, ngày 18 và 19/8/1962, tại thị xã Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và căn dặn Ðảng bộ, nhân dân Phú Thọ cố gắng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ Ðảng giao phó, trở thành tỉnh tiên tiến để góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc...

nhung-noi-ghi-dau-3
Thị xã Phú Thọ phấn đấu xây dựng thành thành phố vào năm 2016

Dừng chân ở thị xã Phú Thọ, chúng tôi ghé thăm cô Phạm Thị Nhiễu, 64 tuổi ở phố Cao Du, phường Âu Cơ - người vinh dự được dâng hoa tặng Bác vào đúng ngày 19/8/1962. Cô còn nhớ rõ buổi sáng mùa Thu 53 năm về trước, khu Quảng trường sân vận động thị xã Phú Thọ người đứng chật như nêm. Đúng 6h sáng, Bác xuất hiện bất ngờ, giản dị. Bác mặc bộ quần áo lụa màu gụ, chân đi đôi dép cao su. Bác vừa đi vừa tươi cười vẫy chào đồng bào các dân tộc tỉnh Phú Thọ đến đón Bác. Cô Nhiễu là một trong ba học sinh được vinh dự lên lễ đài tặng hoa Người. Cô nhớ như in hình ảnh Bác cười thật tươi nhận những bông sen hồng tươi thắm, xoa đầu và ân cần dặn dò của Bác: Các cháu cố gắng siêng học, chăm ngoan xứng đáng với cha ông, xứng đáng là con cháu Vua Hùng và để nhận được nhiều phần thưởng của Bác. Lời dặn dò ân cần, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của dân tộc như tiếp thêm nghị lực và nguồn sức mạnh sống cho cô học trò nhỏ đất Tổ vượt lên hoàn cảnh khó khăn để xây dựng ước mơ, lựa chọn cho mình một lẽ sống đẹp.

 53 năm qua kể từ ngày Bác về thăm, Ðảng bộ và nhân dân thị xã Phú Thọ luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng và phát triển thị xã vững mạnh toàn diện. Trong nhiệm kỳ qua, Ðảng bộ và nhân dân thị xã đã thực hiện tốt hai khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nhờ nắm vững lợi thế và thời cơ mới, vượt qua nhiều khó khăn, nỗ lực phấn đấu, kinh tế thị xã phát triển tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, phù hợp với định hướng phát triển của đô thị trung tâm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 4,52%/năm; giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2015 đạt 28,7 triệu đồng; thu ngân sách hằng năm tăng bình quân 7,8%/năm. Với những thành tựu đã đạt được, tận dụng những cơ hội mới, Đảng bộ và nhân dân thị xã Phú Thọ quyết tâm phát huy lợi thế, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng thị xã Phú Thọ trở thành thành phố vào năm 2016 và là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế phía Tây và Tây Bắc của tỉnh.

Với cương vị là lãnh tụ tối cao của Đảng, Bác Hồ đã về thăm Phú Thọ 9 lần. Đây là niềm vinh dự và tự hào của đồng bào các dân tộc tỉnh Phú Thọ. Mỗi nơi Bác đến thăm đều đọng lại tình cảm của đồng bào đối với Bác. Năm tháng qua đi, những vùng quê năm xưa đã luôn khắc ghi lời Bác dạy, nguyện chung sức đồng lòng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và phát triển./.

Hương Giang

Theo Cổng giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: