Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km, rất thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế, văn hóa… với khu vực và thế giới. Tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hợp thành một khối thống nhất, đồng thuận, nhằm tạo thành sức mạnh tổng hợp vừa là yêu cầu tất yếu của thời cuộc song cũng là nhu cầu tự thân của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đại đoàn kết toàn dân - nhu cầu và yêu cầu tất yếu trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển đất nước
Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo đã tập hợp trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để làm nên thắng lợi lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thắng lợi đó mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho đất nước. Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang tiếp tục phát huy cao độ, trở thành động lực quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia. Nhu cầu và yêu cầu về đại đoàn kết toàn dân càng trở nên cấp thiết khi vấn đề chủ quyền biển, đảo của nước ta trên Biển Đông có những diễn biến phức tạp do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta một năm trước, hay thời gian gần đây tăng cường xây dựng đường băng dài khoảng 3.000m trên đá Chữ Thập, cải tạo, xây dựng công trình phá vỡ nguyên trạng tại một số đảo, bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam… Hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Đồng thời, vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của nước ta và dư luận thế giới.
Trước tình hình đó, đại đoàn kết toàn dân đã trở thành “cái nôi” chung tập hợp những người Việt Nam yêu nước. Đại đoàn kết toàn dân trong thời đại ngày nay là sự tiếp nối của truyền thống ngàn đời “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “uống nước nhớ nguồn”… hướng tới mục tiêu chung cao cả thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân bản, là bảo đảm những lợi ích chính đáng, tối cao của dân tộc, lợi ích của nhân dân và quyền thiêng liêng của con người. Tình yêu đất nước gắn với ý thức bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được thể hiện rộng rãi, mạnh mẽ và có sức lan tỏa lớn, được chuyển tải thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang mạng xã hội, qua chính những công việc thường ngày… Đây là cuộc đấu tranh chính nghĩa. Chủ quyền biển, đảo của nước ta đã được minh chứng bằng các tài liệu, chứng cứ lịch sử từ nhiều thế kỷ trước. Trải qua các thời kỳ lịch sử, đến ngày nay, việc Trung Quốc công bố có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Do đó, việc nhân dân Việt Nam tự nguyện, tự giác tập hợp nhau trong một khối thống nhất, đồng thuận, kiên định đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia bằng con đường hòa bình vừa là nhu cầu tự thân tất yếu ở người dân, đồng thời là yêu cầu tất yếu của thời cuộc, bởi chúng ta có nghĩa vụ và trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ nền độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mà biết bao thế hệ cha ông đã phải hy sinh xương máu.
Đại đoàn kết phải đồng thuận và tỉnh táo
Trong bối cảnh Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chủ quyền biển, đảo nước ta, có thể thấy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đang được huy động và củng cố mạnh mẽ, dưới nhiều hình thức và phương cách đa dạng, cho thấy nội lực dân tộc đang được hòa quyện trong dòng mạch yêu nước, được lan tỏa, phát triển về cả bề rộng lẫn chiều sâu.
Tinh thần đại đoàn kết toàn dân được thể hiện ở sự đồng thuận cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong cả chính trường lẫn đời sống thường nhật. Ngày 30-4-2015, Việt Nam gửi công hàm tới tất cả phái đoàn thường trực các nước ở Liên hợp quốc, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nhấn mạnh chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử không thể chối cãi để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hành động này cho thấy sự kiên quyết của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước và nhận được sự hưởng ứng của nhân dân ta cũng như bạn bè quốc tế. Đại đoàn kết toàn dân cũng được thể hiện trong những cuộc biểu tình hòa bình trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển nước ta, thể hiện qua các phong trào, cuộc vận động mạnh mẽ: “Tất cả vì biển đảo quê hương”, “Hướng về Biển Đông thân yêu”, “Vì Trường Sa thân yêu”… Trên các trang mạng xã hội, rực màu cờ đỏ sao vàng của Việt Nam được các thành viên mạng đưa lên; những bài viết, hình ảnh, videoclip… thể hiện tình yêu đất nước, biển, đảo quê hương trào dâng thành những luồng nội lực mạnh mẽ, gắn kết trong tình yêu Tổ quốc, ý thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
Đảng, Nhà nước ta xác định đấu tranh hòa bình để bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng con đường ngoại giao, khẳng định ý chí quyết tâm và có các biện pháp giữ vững ổn định môi trường để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm làm ăn, kêu gọi người dân tỉnh táo, kiềm chế, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiên quyết không để xảy ra biểu tình trái pháp luật và xử lý nghiêm khắc những người có hành vi tuyên truyền kích động… Những chủ trương, biện pháp này nhận được sự đồng tình, hưởng ứng trong cả nhận thức lẫn hành động của nhân dân ta là minh chứng cụ thể cho tính thống nhất, đoàn kết từ trên xuống dưới, sự đồng thuận từ dưới lên trên. Đại đoàn kết trong tính tương tác hai chiều như thế càng thể hiện rõ tính dân chủ tập trung, nhân văn của Đảng, của nhân dân ta.
Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo nước nhà bằng con đường hòa bình, vì mục tiêu phát triển chung của đất nước, vì lợi ích chính đáng của người dân, cũng như vẫn bảo đảm mối quan hệ hòa bình, phát triển nên chúng ta không tẩy chay hay bài trừ người Trung Quốc, hàng hóa Trung Quốc. Trái với những tin đồn thất thiệt, hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn ổn định. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 58 tỷ USD, tăng hơn 17% so với năm 2013. Trung Quốc liên tục là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam, trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Năm 2014, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong ASEAN (sau Ma-lai-xi-a). Tính riêng ba tháng đầu năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 14,6 tỷ USD, tăng khoảng 17,5% so với cùng kỳ năm 2014 (1).
Trong bối cảnh hiện nay, cần tăng cường đại đoàn kết toàn dân trong tâm thế chủ động, tỉnh táo, sử dụng các biện pháp, hình thức sáng tạo, tránh để các thế lực thù địch thực hiện những âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm gây rối, làm mất an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế… Việc công nhân tại Bình Dương, Vũng Áng thời gian qua bị kẻ xấu xúi giục tụ tập, có những hành động ảnh hưởng đến kinh tế, trật tự an toàn xã hội là bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác vận động, định hướng đúng đắn trong nhận thức và hành động để đại đoàn kết toàn dân thực sự phát huy được sức mạnh và hiệu quả. Đảng, Nhà nước ta đã kịp thời ban hành những chỉ thị, công điện, đề ra biện pháp chỉ đạo bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc để đại đoàn kết toàn dân không bị lợi dụng bởi những kẻ xấu… thể hiện tầm nhìn và sách lược đúng đắn, kịp thời về đại đoàn kết toàn dân phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của tình hình mới.
Nâng tầm sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để bảo vệ hiệu quả chủ quyền biển đảo quốc gia
Để tập trung và phát huy hiệu quả đại đoàn kết toàn dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo nước ta hiện nay, cần chú trọng:
- Tăng cường hơn nữa sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm phát huy và nâng tầm sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, để đại đoàn kết toàn dân thực sự là nguồn sức mạnh, là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước.
- Có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp và người dân để huy động đại đoàn kết toàn dân trong một khối thống nhất, đồng thuận, tránh việc các phần tử xấu lợi dụng đoàn kết để lôi kéo, kích động biểu tình trái pháp luật, gây rối trật tự, an ninh xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước, cũng như ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam.
- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về biển đảo và ý thức chủ quyền biển, đảo gắn với chủ quyền quốc gia đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước nhằm giúp người dân hiểu đúng và có ý thức đồng thuận cao. Từ đó, tạo sự kết nối liền mạch giữa các thế hệ về ý thức đại đoàn kết toàn dân, ý thức về chủ quyền biển, đảo nước nhà trong tất cả các giai tầng xã hội, không phân biệt trẻ già. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền đến người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế để họ có cái nhìn đúng đắn về chủ quyền biển đảo nước ta, từ đó tự giác, tích cực ủng hộ, hưởng ứng công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Có thể sử dụng nhiều hình thức đa dạng như: qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, thông qua các kênh truyền thông trong nước và quốc tế, qua Internet, mạng xã hội (Youtube, Facebook, Twitter…) để đưa những thông tin lịch sử minh chứng cho chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đã có từ lâu đời, cập nhật diễn tiến tình hình trên Biển Đông và thông tin rộng rãi chủ trương Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng con đường hòa bình… nhằm giúp mọi người hiểu và tích cực ủng hộ nước ta. Đặc biệt, chú trọng phát huy vai trò của từng người dân trong tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, khuyến khích họ sử dụng mạng xã hội để biến sức mạnh trên mạng thành sức mạnh trong thực tế, kết nối và tăng cường sự ủng hộ của đồng bào trong nước, bạn bè quốc tế một cách liên tục, hiệu quả.
- Huy động sự ủng hộ về vật chất và cả tinh thần của người dân ở trong và ngoài nước để ủng hộ ngư dân bám biển, ủng hộ lực lượng cảnh sát biển làm nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền biển, đảo thông qua các hình thức: tổ chức những cuộc vận động, chương trình tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, lập quỹ ủng hộ vì biển, đảo quê hương,… Những việc làm này cần được tiến hành thường xuyên, mở rộng không chỉ ở phạm vi người Việt trong nước mà còn ở nước ngoài, hướng tới thu hút sự quan tâm, tham gia của nhân dân ta và bạn bè thế giới yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa.
- Làm tốt công tác vận động quần chúng, gắn với biểu dương kịp thời những tấm gương vận động quần chúng tích cực, hiệu quả nhằm bảo đảm duy trì, phát triển hiệu quả khối đại đoàn kết toàn dân về cả chất và lượng; xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng đại đoàn kết để gây mâu thuẫn dân tộc, làm mất ổn định an ninh xã hội.
- Không ngừng tạo mối liên hệ đoàn kết dân tộc gắn với đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè thế giới thông qua con đường chính trị, ngoại giao, giao lưu văn hóa… nhằm nâng tầm chất lượng đại đoàn kết, tạo nên sức mạnh quốc gia kết hợp với sức mạnh quốc tế, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, phục vụ hiệu quả công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo nước ta trong giai đoạn hiện nay./.
-------------------------
(1): Nguồn: http://vcci-hcm.org.vn/kinh-te-trong-nuoc/nang-cao-hieu-qua-hop-tac-kinh-te-viet-nam-trung-quoc-tt5814.html
ThS. Bùi Thị Như Ngọc
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Theo Tạp chí Cộng sản
Tâm Trang (st)