Hàng năm, mỗi dịp tháng Bảy về, chúng ta lại thêm bồi hồi, xúc động khi nhớ về những công ơn to lớn của biết bao anh hùng liệt sĩ và thương binh đã hy sinh xương máu để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Để góp phần tri ân, ghi nhớ công lao của các thế hệ đi trước, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thường xuyên sưu tầm, lưu giữ và trưng bày nhiều kỷ vật thiêng liêng của các anh hùng liệt sĩ và thương binh. Một trong những hiện vật quý báu đó có chiếc áo của Bác Hồ tặng Trường Thương binh hỏng mắt.
Chúng ta đều biết ngay từ thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn bày tỏ lòng biết ơn và sự quan tâm chăm sóc tới các thương binh và gia đình liệt sỹ. Mặc dù bận rất nhiều công việc lãnh đạo cuộc kháng chiến với vô vàn khó khăn gian khổ, nhưng Người vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi, động viên các anh chị em nhất là vào mỗi dịp kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27-7 hằng năm. Sau chín năm kháng chiến trường kỳ thắng lợi, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô chưa được bao lâu, ngay trong đêm Giao thừa đầu tiên đón Tết ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian đến thăm anh em thương binh đang học tập tại Trường Thương binh hỏng mắt (nằm trên phố Nguyễn Thái Học, thuộc quận Ba Đình) vào tối 30 Tết Bính Thân (tức là ngày 11-2-1956).
Trường Thương binh hỏng mắt được thành lập từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Thanh Hóa. Khi hòa bình lập lại, trường đã chuyển về Hà Nội để có điều kiện chăm sóc thương binh tốt hơn. Tại đây, các đồng chí được học chữ nổi, học văn hóa và học nghề. Theo hồi ức của các đồng chí thương binh thì sau bữa cơm tất niên năm đó, anh em đang quây quần bên nhau ở hội trường để vui liên hoan đón giao thừa bỗng mọi người được tin Bác Hồ đến thăm. Cả hội trường vỗ tay reo hò vui sướng.
Bác Hồ xuất hiện và ân cần nói:
- Thôi! Thôi! Các chú đừng hoan hô nữa, mệt sức. Ngồi xuống ghế nghe Bác nói chuyện.
Khi mọi người đã ngồi xuống yên lặng, Bác hỏi thăm tình hình sức khỏe, học tập và chương trình đón Tết của nhà trường. Bác vui vì thấy nhà trường đã khắc phục khó khăn, tổ chức tăng gia cải thiện đời sống, làm tốt việc chăm lo sức khỏe cho anh em. Bác quan tâm nhắc nhở anh em tùy theo sức của mình mà học tập và công tác. Cũng tại buổi đến thăm nhà trường, Bác đã dặn dò một câu mà sau này đã trở thành phương châm của các đồng chí thương binh. Bác nói: "Tại mái trường này các chú được học chữ, học nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân, như vậy thương binh tàn mà không phế".
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí thương binh hỏng mắt.
Một đồng chí thương binh hỏng cả hai mắt đứng lên nói:
- Thưa Bác, khi còn sáng mắt, chúng cháu chưa được nhìn thấy Bác mà chỉ thấy ảnh Bác. Bây giờ chúng cháu đã bị mù, chúng cháu muốn Bác đứng để chúng cháu sờ xem Bác có khỏe không?
Bác Hồ xúc động đứng lặng hồi lâu, rồi nói:
- Đêm nay giao thừa, Bác phải đi thăm nhiều gia đình có công với cách mạng và các cơ quan khác nữa, ở đây lâu Bác không kịp đi nơi khác được. Thôi, các chú hát cho Bác nghe một bài đi.
Bác bắt nhịp cho toàn thể anh em cùng vui vẻ hát bài Kết đoàn. Bài hát kết thúc, Bác tạm biệt anh em ra về trong sự lưu luyến của tất cả mọi người.
Ít lâu sau, Bác đã gửi tặng nhà trường chiếc áo ấm may bằng vải kaki màu xanh ghi (lớp vải lót trong màu nâu), kích thước 54cm x 72cm, tay áo dài 51cm. Áo được may bởi nhà may Vạn Hoa, địa chỉ 116 Lê Lợi, Sài Gòn. Trên cổ áo có đính mảnh vải sa tanh nhỏ màu đỏ, thêu chữ màu vàng: "Quà Nam bộ kính dâng Bác Hồ. Nhóm Liên Việt thành phố Hồ Chí Minh". Quà tặng của đồng bào miền Nam yêu quý đã được Bác Hồ trao lại nhà trường để làm giải thưởng cho học viên có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Đồng chí Phạm Vàng là người vinh dự được nhận giải thưởng này của Bác Hồ.
Áo, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội, năm 1956.
Trải qua chiều dài năm tháng, chiếc áo nay đã bạc màu nhưng mãi vẫn là kỷ vật thiêng liêng thể hiện tấm lòng của Bác Hồ đối với thương binh, đồng thời minh chứng cho tinh thần quyết tâm phấn đấu học tập, rèn luyện vươn lên của các đồng chí thương binh, vâng theo lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn mà không phế”./.
Hoàng Vĩnh Hạnh (Phòng QLHV)
Theo http://baotanglichsu.vn
Thu Hiền (st)
-------
1- "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội", Nxb. Hà Nội 2000, tr.129-130.
2- Báo Quân đội nhân dân, thứ năm, ngày 26/7/2007.