Hệ thống Trợ năng

Nh ng ngay thßng   bOn Bßc H   phan 10 anh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí bảo vệ và giúp việc tại
Chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp

Một ngày làm việc của Bác

Là người bảo vệ Bác tôi thấy Bác có thói quen làm việc rất đúng giờ. Bác chủ động đặt ra thời gian làm việc và thi hành nghiêm túc, không thay đổi giờ giấc sinh hoạt kể cả mùa Đông. Hàng ngày, Bác dậy từ 5 giờ, 5 giờ 15 phút Bác tập thể dục, 6 giờ ăn sáng. Sau đó, Bác bắt đầu làm việc. Vì vậy, người phục vụ Bác cũng rất dễ dàng.

Có một lần ở Việt Bắc Bác đang ốm, đúng 7 giờ sáng Bác nói:

- Các chú chuẩn bị đưa Bác đi họp Hội đồng Chính phủ.

Tôi ngạc nhiên vì thấy Bác đang ốm không dậy được. Thế nhưng Bác nói bằng mọi cách Bác phải đi họp. Chúng tôi đành phải chuẩn bị cáng đưa Bác đi. Khi đi Bác dự tính sẽ đi đường trong bao lâu để kịp giờ họp. Vì vậy, Bác đến rất đúng giờ.

Bác làm việc suốt ngày, ngày thường cũng như Chủ Nhật. Sau mỗi bữa ăn, Người chỉ nghỉ một lát rồi làm việc ngay. Những việc mà Bác đã định trong kế hoạch đều giải quyết hết.

Buổi sáng, Bác giải quyết những công văn giấy tờ hôm trước để đồng chí giao thông mang đi. Tiếp đó Bác tranh thủ đọc các tác phẩm kinh điển. Khi đồng chí giao thông về. Bác xem công văn, xem xong ngồi viết, đánh máy suy nghĩ để trả lời các nơi.

Phòng làm việc của Bác ở Việt Bắc có khi chỉ là chiếc chiếu trải xuống sàn nhà, những gì phải viết Bác để lên đùi. Bài viết nào dài, Bác đánh máy. Vì vậy, những bài viết dài thường có bản thảo đánh máy. Những lúc mỏi, Bác kéo võng nằm suy nghĩ rồi lại dậy đánh máy tiếp. Khi xong công việc Bác đọc báo. Báo đến nhiều, Bác lại xem rất nhanh, xem xong để ra bên cạnh, sau đó gấp lại cho người chuyển đi. Bác xem báo nhanh, nhưng rất kỹ. Những mục cần đọc, Bác không bỏ qua.

Công việc xong mà chưa đến giờ ngủ Bác lại đọc sách, báo. Chủ Nhật, ngày lễ cũng có chương trình. Vì vậy, không mấy khi Bác có thời gian rảnh. Có những Chủ Nhật có người đến thăm, hỏi tôi tại sao các cậu không đưa Bác đi chơi, chúng tôi nghĩ: Bác làm việc gì đều có chương trình, chúng tôi đâu dám tự ý mời Bác đi.

Nh ng ngay thßng   bOn Bßc H   phan 10 anh 2
Bác Hồ đọc báo ở Chiến khu Việt Bắc, năm 1951

Bác không muốn ai ngồi chơi không. Có những lần hết giờ gác, chúng tôi nằm tán chuyện với nhau. Lúc giải lao Bác đi thăm anh em. Một hôm, Bác gặp chúng tôi đang nằm chơi, Bác nói:

- Các chú không có việc gì làm à? Nếu không có việc thì mang chiếc giường dỡ ra rồi lắp lại, nếu còn thì giờ nữa thì ra ngoài kia vật nhau hay là tăng gia. Ý Bác muốn nói là phải tìm việc mà làm, không nên ngồi tán gẫu…

Bác có nếp sống rất gọn gàng. Bác nói: Trong lúc kháng chiến, các chú phải luôn luôn gọn gàng, lúc có lệnh là đi ngay. Nghe lời Bác chúng tôi mỗi người 1 ba lô, sẵn sàng khi có lệnh là đi.

Gọn gàng là thói quen của Bác lên phòng làm việc của Bác không bao giờ trang trí cầu kỳ; chỉ có một chiếc chiếu và một chiếc máy chữ. Bàn làm việc có một đèn dầu, một bút chì, một bút mực, một ít giấy và phong bì. Giấy tờ, sách báo sau khi đọc và dùng xong Bác đều cho mang xuống văn phòng.

Khó khăn phải tìm cách khắc phục

Bác đã có kế hoạch đi đâu thì nhất định thực hiện bằng được. Có những lần vì phải đến chỗ không an toàn nên chúng tôi đã tìm cớ để không đưa Bác đi nhưng Bác không chịu. Bác nói: Khó khăn cần phải tìm cách khắc phục. Những ngày ở Việt Bắc ô tô không đi được vì đường đã phá để kháng chiến, không cho địch dùng đường của ta để đánh ta. Chúng tôi chuẩn bị ngựa cho Bác đi nhưng Bác nói: Đi ngựa thì lộ mất, vì chỉ cán bộ cao cấp mới được đi ngựa. Vì vậy, khi cần đi xa mấy ngày đường Bác cũng chỉ đi bộ.

Lúc đi bộ Bác cũng đeo ba lô và ăn mặc như người dân địa phương, chúng tôi cũng cải trang như Bác. Khi đi không bao giờ Bác tỏ ra mệt mỏi, chúng tôi không dám kêu ca mặc dù mệt. Có lần đi bộ mấy ngày mà chưa đến địa điểm, chúng tôi sốt ruột hỏi đường, Bác trả lời: Khắc đi, khắc đến. Những lúc mệt thấy chúng tôi không vui, Bác không hài lòng, Bác thường đem chuyện cổ tích ra kể. Bác nói: Các chú có thích đọc chuyện không? Rồi Bác đọc trước, chúng tôi đọc theo, cứ như thế đi quên đường dài.

Hồi trước Cách mạng Tháng Tám ở Việt Bắc, chúng tôi đi giày kiểu đi rừng, khi về Hà Nội ở phố 12 Ngô Quyền sàn nhẵn hay bị ngã nên chúng tôi thay giày đế kếp. Kháng chiến trở lại chiến khu, đi về nông thôn giày này đi không hợp lại hay bị ngã, chúng tôi phải bỏ giày đi chân không, nhưng vì đau chân nên mặt mũi nhăn nhó. Bác nhắc chúng tôi phải tìm cách khắc phục không nên kêu ca nhiều.

Những lần từ Thái Nguyên đi họp Hội đồng Chính phủ sang tận Tuyên Quang, đường xa, để quên mệt Bác thường động viên chúng tôi kể chuyện. Đến chỗ nghỉ Bác bảo đem báo ra đọc. Đến “Suối đọc báo” (tên chúng tôi đặt cho con suối mà Bác cháu thường ngồi nghỉ), Bác nói:

- Trên đường đi các chú không vui, Bác thấy không nên thế. Các chú xem Bác có gì khác các chú, các chú kêu không giải quyết được gì mà lại làm ảnh hưởng đến người khác. Bác không bao giờ kêu ca phàn nàn kể cả mùa nóng cũng như mùa lạnh.

Năm 1948, ở xã Thắng Lợi, bản Ca, Bắc Kạn bị địch tấn công, chúng tôi phải về Khuôn Tát, xã Phú Đình, chân đèo De. Trời rét đậm, tôi và đồng chí Kỳ bàn nhau: Dự kiến phải đi 2 ngày. Tính Bác khẩn trương không muốn rề rà, vì vậy có lúc lội suối đến nứt chân, Bác vẫn đi. Đường đi lẽ ra đi hai ngày, Bác chỉ đi hơn một ngày. Nửa đêm đến nơi, Bác nói:

- Cố một chút đi đến nhà nghỉ tốt hơn, nghỉ dọc đường nhiều phiền hà.

Đến nơi mọi người đau chân nằm cả, riêng Bác vẫn đi đi lại lại xem mọi việc chuẩn bị đã tốt chưa.

Tôi được phục vụ Bác từ năm 1945. Trong thời gian ở gần Bác, tôi thấy ba lần Bác ốm nặng. Hồi mới về xã Tân Trào, Huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự tôi bị ốm. Bác khuyên không nên nằm, càng nằm càng thêm ốm. Bác ngồi làm việc thấy tôi nằm, Bác bảo phải dậy.

Ít lâu sau Bác bị ốm, có lúc Bác sốt run lên nhưng không kêu, lúc sốt nặng quá, Bác ngả lưng một tý. Rồi gượng dậy đi đi lại lại chứ kiên quyết không nằm. Sau đợt ấy về Hà Nội, Bác sỹ Tôn Thất Tùng chữa cho Bác. Sau đó, Bác đỡ bị sốt hơn.

Trong lúc mệt, Bác vẫn làm việc, nhất là những lúc phải tiếp bọn Tàu Tưởng đến quấy nhiễu. Bác không có thì giờ để nghỉ ngơi. Trước tình hình ấy, một số đồng chí tỏ ra bực mình nhưng Bác lại rất bình tĩnh.

Bác ốm lần thứ hai vào năm 1948. Lúc này Bác đang ở Thôn Lục Giã, xã Phú Đình. Tôi được Bác cho đi học lớp chính trị do Trung ương mở. Bác vừa sốt, vừa đau răng. Hằng ngày, tôi đi học về thấy Bác vẫn ngồi làm việc.

Lần thứ ba Bác ốm là năm 1969, khi ấy tôi được phân công bảo vệ Đoàn cán bộ Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do Luật sư  Trịnh Đình Thảo dẫn đầu ra thăm miền Bắc. Khi đang bảo vệ Đoàn đi thăm quan thì nhận được tin Bác ốm, tôi về ngay. Lúc này, Bác lên cơn đau tim, mặt tái, người đờ ra. Nhưng mỗi lần như vậy Bác chỉ để các bác sỹ chăm sóc cho Bác, chứ tuyệt đối không rên rỉ một lời.

Những năm cuối đời Bác yếu đi nhiều, khi Bác tiếp khách chúng tôi phải dìu, Bác phải chống gậy, nhưng lúc đến gần địa điểm thì Bác bảo chúng tôi lui ra để Bác tự vào. Hôm Bác đi xem pháo binh tập bắn ở Ba Vì, phải leo lên đồi mới xem được, tôi đưa tay để Bác vịn đi lên, khi lên vẫn không ai biết là Bác mệt. Những ngày cuối Bác còn đến thăm phái đoàn cán bộ mới ở Hội nghị Pa ri về, cách đó chỉ 20 ngày trước khi Bác mất, Bác vẫn vui vẻ, vì vậy mọi người trong Đoàn không biết là Bác yếu….

Hoàng Hữu Kháng kể
Trích trong sách Chuyện kể về những người
giúp việc Bác Hồ, Nxb. Thông tấn, Hà nội 2003

Làm quân báo phải hết sức cảnh giác

Trung tuần tháng 7-1950, cơ quan của Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã có mặt tại một địa điểm gần huyện lỵ Quảng Uyên (Cao Bằng). Một hôm anh Văn gọi tôi cùng đến thăm các đồng chí cố vấn Trung Quốc ở cách Sở chỉ huy Tà Lạng không xa. Trên đường về anh Văn nói với tôi “chúng ta ghé vào thăm Bác nghỉ một lúc”.

Sau khi anh Văn lên báo cáo với Bác trở về, bảo tôi: “Bác cho phép đồng chí lên gặp Bác đấy”. Sắp được gặp Bác, tôi vừa mừng, vừa lo vì lần đầu tiên được trực tiếp báo cáo công việc với Bác, hoang mang không biết nói chuyện gì, bắt đầu câu chuyện ra sao thì chúng tôi đã đến nơi Bác nghỉ. Bác ngồi dậy nhìn tôi và có lẽ Bác thấy tôi đang lúng túng, Bác hỏi tôi về tình hình địch. Rồi Bác chỉ cho tôi ngồi gần và nói:

-Trong trận này ta đánh lớn, nhất định thắng, nhưng địch không chịu thua một cách dễ dàng. Tình hình sẽ diễn biến phức tạp và khẩn trương. Chú làm quân báo phải hết sức cảnh giác, phải theo dõi chặt chẽ hành động của địch. Phải biết dựa vào dân khéo tổ chức và hướng dẫn cụ thể thì dân sẽ cung cấp tin tức tốt cho bộ đội. Chú rõ chưa?

- Vâng ạ.

- Thế nào bộ đội ta cũng bắt được nhiều tù binh địch, các chú phải giải thích chính sách tù hàng binh của ta cho họ rõ, để họ yên tâm. Làm công tác này chú có biết tiếng Pháp đấy chứ?

- Dạ có!

Bác có suy nghĩ một lúc rồi nói tiếp:

- Chú báo lại với Ban Chính trị chú ý tờ báo của mặt trận. Phải tuyên truyền kịp các chiến thắng của ta, những gương chiến đấu dũng cảm của bộ đội, những người tốt, việc tốt tận tụy phục vụ chiến đấu của đồng bào các dân tộc – chú ý viết ngắn gọn, dễ hiểu để kịp thời động viên bộ đội và nhân dân. Bác nói tiếp:

- Ta đánh lớn và đánh dài ngày, cần nhiều lương thực và đạn dược. Bạn có giúp cho ta, nhưng ta phải huy động trong dân lần nữa. Đồng bào dân tộc Cao – Bắc – Lạng rất hăng hái đóng góp tuy còn thiếu thốn. Phải hết sức tiết kiệm.

Trước khi tôi ra về, Bác còn dạy tôi rang thịt heo “kiểu Việt Minh” và dặn tôi nhớ phổ biến cho anh em.

Gần một tiếng đồng hồ bên cạnh Bác, được Bác căn dặn những điều rất thiết thực cho công tác, tôi rất phấn khởi vì vô cùng vinh dự mới được gặp và hầu chuyện với Bác. Đến nay hồi tưởng lại tôi không bao giờ quên lần gặp Bác ngày hôm đó. Nhớ Bác với bộ đồ nâu, khăn mặt vắt trên vai, ngồi trên tấm ván kê trên tảng đá như ông lão nhân dân. Nhớ mãi thái độ niềm nở, những lời chỉ bảo ân cần,  truyền cảm, với những tiếng cười đôn hậu, thắm tình cha con của Bác.

Một hôm, Bác đến Sở chỉ huy gặp tôi và bảo đưa Bác đi gặp tù binh. Tôi lúng túng không biết làm thế nào để giữ bí mật, sợ tù binh nhận ra Bác thì Bác đã chỉ thị cho bác sỹ đem thuốc đỏ và bông băng, băng râu Bác lại y như một chiến sỹ bị thương. Thật là tuyệt diệu. Tôi cho người chạy ra báo cho đồng chí Nghiêm Xuân Hiếu, cán bộ quân báo đang hỏi cung ở trại, chuẩn bị gấp cho cán bộ cấp trên gặp tù binh.

Tôi đưa Bác đến trạm. Ba sỹ quan tù binh, một Đại úy Đồn trưởng Đông Khê và hai Trung úy đứng dậy khi thấy Bác vào. Lần đầu tiên tôi được nghe Bác nói tiếng Pháp hay quá, rất chuẩn. Ba tên tù binh mắt mở to rất ngạc nhiên.

Trên đường về Bác cho biết hôm trước Bác đã gặp một toán tù binh được giải về trại, thấy có một tù binh bị thương, bị rách áo. Bác đã cho cái áo… Đi được một đoạn Bác hỏi tôi:

- Sao chú lột giày của tù bình rồi treo lên cổ họ? Đối với người Châu Âu, không có giày thì họ đi rất khó khăn, nếu chú sợ tù binh chạy thì chí ít chú phải cho họ đi tất chứ.

Rồi Bác cười và tôi cũng cười theo.

***

Chiến dịch kết thúc, Bộ Chỉ huy triệu tập Hội nghị Sơ kết ở Lam Sơn (Cao Bằng). Có đông đủ cán bộ của ta và bạn đến dự. Hội nghị kết thúc, tôi ra về, tình cờ được gặp Bác, Bác nói:

- Chú quân báo! Trong Chiến dịch công tác nắm địch có ưu và khuyết điểm, cần phải được tổng kết nhưng chú ý giữ bí mật.

Nói xong Bác cho tôi một điếu thuốc lá thơm.  Tôi vô cùng cảm động, tiếp thu lời dạy của Bác. Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng kỷ niệm về những lần được gặp Bác ở mặt trận đó, mãi mãi còn in sâu đậm trong lòng tôi.

Cao Pha kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta,
Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2005

 Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: