Ngày 15-9-2010, quần thể di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng có thêm một công trình mới được khánh thành và đón khách tham quan. Đó là nơi ghi dấu sự kiện Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ lái xe đầu tiên của ngành Xe - Máy quân đội. Bác đã ân cần căn dặn: “Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân, các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu”.
Ngược dòng lịch sử trở về thời điểm hơn 60 năm trước, ngày 28-3-1951, trên đường đi công tác ở Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ hai đại đội xe 200 và 203. Thửa ruộng bậc thang nơi Bác dừng chân hôm đó là của gia đình ông Nguyễn Hữu Thanh. Ông nhớ lại: “Khi ấy, tôi mới 16 tuổi. Năm nay, tôi đã 79 tuổi rồi nhưng vẫn còn nhớ như in sự việc ngày hôm đó. Khi đang ở nhà với bố mẹ và em gái thì chúng tôi được một đồng chí cán bộ đến thông báo sẽ có một vị khách đặc biệt ghé qua và đề nghị gia đình ai ở đâu thì ở đó, khi được mời thì ra. Khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi được gọi ra ngoài mới biết vị khách ấy chính là Bác Hồ. Bác ngồi trò chuyện rất thân mật với khoảng 20, 30 chú bộ đội. Rồi Bác bắt nhịp cho mọi người cùng hát”.
Lễ dâng hương và báo công của Cục Xe - Máy tại Khu Di tích “Bác Hồ với ngành Xe - Máy
quân đội”. Ảnh Nguyễn Luận.
Mãi sau này ông Thanh mới biết những người lính ấy là các chiến sĩ lái xe đầu tiên của quân đội ta, vì hôm đó toàn bộ xe đều để ở vị trí tập kết và mọi thông tin đều được giấu kín. Với ông Thanh, lần được Bác dừng chân tại mảnh đất của gia đình là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao. Còn đối với những người lính của ngành Xe - Máy quân đội thì lời dạy quý giá của Người đã trở thành phương châm chỉ đạo, khẩu hiệu hành động xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Nhiều năm qua, bằng những tình cảm thành kính với Bác Hồ, cán bộ, chiến sĩ ngành xe-máy quân đội đều có mong muốn xây dựng địa điểm trên thành khu di tích để các thế hệ hôm nay và mai sau biết được cội nguồn truyền thống của ngành. Đáp ứng nguyện vọng chính đáng ấy, trong năm 2005, một đoàn công tác đặc biệt thuộc Cục Quản lý Xe - Máy (nay là Cục Xe - Máy, Tổng cục Kỹ thuật) đã lên Cao Bằng phối hợp với Ban Quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh tiến hành công tác chuyên môn nghiên cứu khảo sát, xác minh địa điểm di tích và lập hồ sơ khoa học di tích Bác Hồ nói chuyện với hai đại đội ô tô đầu tiên của quân đội, đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng ra quyết định công nhận xếp hạng điểm Di tích lịch sử - văn hóa.
Khi tất cả các thủ tục được hoàn tất, ngày 19-1-2008, công trình di tích gồm các hạng mục: Bức phù điêu cao 4m, dài 8m phác họa hình ảnh Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ hai đại đội ô tô đầu tiên; sân, biển và khuôn viên di tích… trên tổng diện tích 1.808m2 tại thôn Nà Roác, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng chính thức khởi công và hoàn thành vào ngày 10-9-2010. Toàn bộ kính phí xây dựng công trình do cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ngành Xe - Máy quân đội và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đóng góp. Ông Nguyễn Hữu Thanh tình nguyện trông coi và là người thuyết minh mỗi khi có khách đến tham quan. Riêng cán bộ, chiến sĩ Cục Xe - Máy hầu như năm nào cũng tổ chức các đoàn đến thăm và báo công tại đây. Đại tá Phạm Văn Khánh, Cục trưởng Cục Xe - Máy khẳng định: “Công trình Di tích Bác Hồ với ngành Xe - Máy quân đội được xây dựng là niềm mong mỏi của tất cả cán bộ, chiến sĩ ngành Xe - Máy quân đội chúng tôi. Đây sẽ là một công trình vĩnh cửu in đậm hình ảnh Người anh hùng dân tộc, vị tổng chỉ huy tối cao của các LLVT nhân dân nhưng rất gần gũi, thân thương”./.
Tuấn Tú
Theo Báo Quân đội nhân dân
Huyền Anh (st)