Quan tâm đến con người và giải phóng con người được xem như là linh hồn, là hạt nhân trung tâm trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nó không chỉ tác động chi phối các quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội mà điều quan trọng hơn, nó thấm vào mọi mặt của đời sống xã hội, vào các quan hệ đạo đức, vào lý tưởng thẩm mỹ, vào quan niệm hạnh phúc, niềm tin, hy vọng. Trong bài “Vĩ đại một con người”, Giáo sư Trần Văn Giàu đã cho rằng: “tầm cỡ một triết nhân chưa chắc ở chỗ giải quyết mối tương quan giữa tồn tại và tư tưởng, ở chỗ thế giới ấy là thực hay ảo ảnh, là khả tri hay bất khả tri, ở chỗ lựa chọn giáo điều hay điều mới lạ, mà chung quy ở mức độ quan tâm đến con người đang sống trên trái đất này…”1, cái đặc sắc làm nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh đó là sự quan tâm đến con người từ trong nhận thức đến mọi hoạt động cụ thể của Người.
Trong hệ thống tư tưởng và hành động của Hồ Chí Minh, từ “Bản án chế độ thực dân Pháp” đến “Tuyên ngôn Độc lập” và từ “Tuyên ngôn Độc lập” tới “Di chúc”, ở đâu Người cũng coi và khẳng định trước hết là vấn đề con người: “Cả đời tôi chỉ một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”2, để mọi người được ấm no, sung sướng, tự do, hạnh phúc. Con người mà Hồ Chí Minh quan tâm là con người bằng xương, bằng thịt đang sống, chiến đấu, lao động, học tập, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước mình, đó là nhân dân lao động, là tất cả những ai tham gia thúc đẩy sự nghiệp phát triển xã hội.
Sau khi hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung lãnh đạo công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa và chăm lo đời sống nhân dân. Người vừa quan tâm đến cái chung của đất nước, của các cơ quan, tập thể, vừa quan tâm đến từng con người cụ thể. Người quan tâm đến các cơ sở sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, bệnh viện, đến thăm các cụ già, trẻ em, người cô đơn, tàn tật, các gia đình thương binh, liệt sĩ… Việc đầu tiên đối với Người là thăm nơi ăn, chốn ở, điều kiện sống và làm việc của người dân.
Chăm lo đến đời sống của nhân dân là trách nhiệm của Đảng và Chính phủ, theo Hồ Chí Minh: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”3 . Do vậy, “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”4, kế hoạch ấy phải đảm bảo đồng thời ba lợi ích: Lợi ích của nhà nước, lợi ích của tập thể và lợi ích của người lao động; cán bộ các cấp đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân; phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Vì dân có đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh tật thì chính sách dù có hay mấy cũng không thực hiện được. Ngoài ra, Người cũng luôn chăm lo nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, mong muốn làm cho dân tộc chúng ta trở thành một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, sáng tạo; gột rửa những thói hư, tật xấu, sự lười biếng, gian giảo, xảo quyệt, tham ô… thực hiện cần, kiệm, liêm chính.
Quan tâm đến con người còn ở việc thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, để dân tin, dân dám nói, tạo điều kiện cho sự sáng tạo, tạo động lực cho sự phát triển xã hội, bởi “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”5. Người yêu cầu phải thực hiện được một nền dân chủ chân chính. Không ai được phép lợi dụng và lạm dụng quyền dân chủ để xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, của nhân dân.
Để xây dựng và phát triển đất nước, đòi hỏi phải có sự quan tâm cho việc bồi dưỡng, giáo dục và đào tạo con người đáp ứng sự nghiệp cách mạng, bởi theo Người, muốn xây dựng CNXH trước hết phải có những con người XHCN, trong đó việc xây dựng lý tưởng cách mạng, rèn luyện đạo đức và giáo dục chính trị là nhiệm vụ phải làm đầu tiên trong xây dựng, giáo dục con người toàn diện, những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Con người được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, tư tưởng và đạo đức, trí tuệ và tài năng là động lực to lớn của sự nghiệp phát triển xã hội. Do đó, mọi ngành, mọi cấp phải tích cực xây dựng con người mới, phát triển đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Đẩy mạnh công tác giáo dục để mọi người hiểu rõ mình là người chủ nước nhà, phải có trách nhiệm, năng lực làm chủ, cần kiệm xây dựng đất nước, thấm nhuần chủ nghĩa tập thể “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, sống với nhau có tình có nghĩa. Đồng thời, kêu gọi các cơ quan, đoàn thể và mọi công dân Việt Nam thực hiện đời sống mới, sửa đổi lối làm việc, tự phê bình và phê bình, chống chủ nghĩa cá nhân, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau.
Luôn tin ở bản chất tốt đẹp ở mỗi con người, Người khẳng định: Người ta ai cũng có tính tốt và tính xấu. Mỗi người đều có thiện - ác trong lòng. Tuy nhiên, “tốt - xấu, thiện - ác không phải tự nhiên mà có, phần nhiều do giáo dục mà ra”. Vì vậy, Người yêu cầu thái độ của người cách mạng phải có lòng tin trong việc giáo dục đối với con người, “phải biết làm cho lòng tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi”. Kể cả những người lầm đường, lạc lối cộng tác với địch, chúng ta phải khoan dung, độ lượng, biết quý trọng, khuyến khích cái tốt, cái thiện, đẩy lùi cái xấu, cái ác trong mỗi con người, bởi “Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ... Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tinh thần nhân ái mà cảm hóa họ”6.
Xác định đúng vị trí, vai trò và dành sự quan tâm đặc biệt đến thế hệ trẻ, đây là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cho cái tương lai đó. Tin tưởng vào bản chất và sức mạnh của thanh niên nhưng phải giáo dục họ để họ trở thành lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng. Theo Người, thanh niên phải được giáo dục vừa “hồng”, vừa “chuyên”, phải được giáo dục một cách toàn diện, “phải chú trọng đủ các mặt: Đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất”7. Phải giáo dục thế hệ trẻ tình yêu lao động, quý trọng người lao động, có thái độ trân trọng đối với người lao động.
Để kiến thiết quốc gia, xây dựng XHCN, cần phải có đội ngũ trí thức hùng hậu, vì thế, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề chọn người tài: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”8, “trí thức không có bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi”9 và yêu cầu Đảng, Nhà nước phải trọng dụng những kẻ hiền năng, phải khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều. Thực tiễn đã khẳng định, Hồ Chí Minh không chỉ trân trọng nghe ý kiến mà còn rất quan tâm đến những vấn đề, những khó khăn, hoàn cảnh cụ thể của từng người để tạo điều kiện cho trí thức làm việc tốt hơn. Hầu như không có một trí thức lớn nào làm việc cho Chính phủ mà không từng được Người gửi thư thăm hỏi, gửi quà, gửi áo, gửi thuốc, khi có điều kiện thì tới thăm, xem xét từ chỗ ăn, chỗ ở, điều kiện làm việc. Vì thế, Hồ Chí Minh đã đào tạo, phát hiện, cảm hoá, trọng dụng nhiều nhà trí thức, nhân tài phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.
Là người lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu và đánh giá cao những hy sinh, mất mát của các thương binh, liệt sĩ và thân nhân gia đình họ trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Người luôn nhắc nhở đối với cán bộ, đồng bào, gia đình thương binh, liệt sĩ phải “... tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta”10. Chúng ta phải thông cảm, động viên, khuyến khích họ: Một mặt nuôi lại sức khỏe, một mặt cố gắng học tập; khi đã khôi phục sức khỏe, thì sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất để giúp ích cho Tổ quốc... Những lời động viên, kêu gọi, chỉ thị thắm đậm tình nghĩa này đã đi vào cuộc sống, biến thành những hành động cụ thể, từ việc giúp đỡ thương binh, gia đình thương binh, liệt sĩ đến những hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn dân. Bản thân Người luôn gương mẫu thi hành những điều đã nói, đã ban hành nên được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Sự quan tâm đến con người ở Hồ Chí Minh không phải là lòng thương hại của “bề trên” nhìn xuống, cũng không phải là sự động lòng trắc ẩn của người “đứng ngoài” nhìn vào mà là sự đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ với thân phận nô lệ, người dân mất nước, bởi Người đã từng trải qua và từng chứng kiến biết bao cảnh đau thương, ngang trái, bất công từ khi lớn lên cho đến lúc bôn ba tìm đường cứu nước. Người khẳng định: “lòng yêu thương của tôi đối với nhân dân và nhân loại không bao giờ thay đổi”, bởi “nghĩ cho cùng, mọi vấn đề… ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”. Như vậy, đối với Hồ Chí Minh, tất cả mọi vấn đề, từ kinh tế, chính trị, xã hội... đều phải nhằm một mục tiêu duy nhất, đó là con người, là tạo dựng con người, phát triển và hoàn thiện con người.
Ngày nay, trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, tư tưởng về sự quan tâm đến con người của Hồ Chí Minh vẫn có ý nghĩa thời sự đối với đất nước ta và thời đại. Đảng ta xác định: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hoá trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hoá con người Việt Nam”11. Chúng ta chỉ có thể vượt qua những khó khăn, thách thức trước hết bằng việc xây dựng và thực hiện thành công chiến lược con người. Những con người phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, được tổ chức và huy động vào các phong trào cách mạng là động lực của sự nghiệp xây dựng xã hội mới, đồng thời là mục tiêu của CNXH.
Từ khi đất nước ta thực hiện đường lối đổi mới, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều thể hiện rõ sự chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người, nhân tố có ý nghĩa quyết định sự nghiệp CNH, HĐH đất nước hiện nay. Điều này được khẳng định ở việc: Thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng: Năm 1995 là 289 USD/người/năm, GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.160 USD. Công tác giảm nghèo, nhất là ở 63 huyện nghèo nhất, được triển khai đồng bộ với các giải pháp trợ giúp thiết thực cả về sản xuất và đời sống. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,85%, xuống còn 9,5%. Chính sách trợ giúp người có công và bảo trợ xã hội tiếp tục được hoàn thiện, đã mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức trợ cấp. Nhà nước dành hơn 19.000 tỷ đồng (tăng 17% so với năm 2009) để thực hiện chính sách cho hơn 1,4 triệu người có công với cách mạng; dành 4.500 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần năm 2009) để thực hiện trợ cấp thường xuyên cho hơn 1,6 triệu người và dành hàng nghìn tỷ đồng, hàng chục nghìn tấn gạo để trợ cấp đột xuất, chủ yếu cho khắc phục thiên tai và cứu đói giáp hạt.
Các chính sách phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở cho người nghèo ở nông thôn, ký túc xá cho học sinh, sinh viên được khẩn trương triển khai và đạt kết quả tích cực. Dư nợ cho vay ưu đãi để thực hiện các chính sách xã hội là 91.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2009, riêng dư nợ tín dụng cho 1,9 triệu học sinh, sinh viên là 29.000 tỷ, tăng 60%. Tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, đã điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung thực hiện từ ngày 01 tháng 5 năm 2010 và một số chính sách liên quan.
Hệ thống BHXH, BHYT tiếp tục phát triển. Số người tham gia BHXH, BHYT đều tăng, góp phần tích cực vào giảm thiểu thiệt hại và khó khăn cho người tham gia khi gặp rủi ro. Số người tham gia bảo hiểm bắt buộc tăng từ 8,9 triệu năm 2009 lên 9,6 triệu (năm 2010), bảo hiểm tự nguyện năm 2010 khoảng 100 nghìn người, bảo hiểm thất nghiệp 6,4 triệu người. Đến tháng 9/2010 đã có trên 90 nghìn người thất nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã tăng từ 58% năm 2009 lên 61% năm 2010.
Gắn liền với lộ trình cải cách chính sách tiền lương, BHXH, mức trợ cấp ưu đãi xã hội được điều chỉnh trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội, phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Năm 2007, nguồn lực tài chính dành riêng ưu đãi xã hội là 13.000 tỷ đồng, năm 2008 là 15.000 tỷ đồng, năm 2009 là 17.000 tỷ đồng (riêng năm 2009, cùng với nguồn lực tài chính từ địa phương, nguồn huy động từ xã hội hóa, chi ưu đãi xã hội đối với người có công lên tới 20.000 tỷ đồng). Chỉ số phát triển con người liên tục tăng cao qua các năm. Trong số 169 nước và vùng lãnh thổ, Việt Nam thuộc nhóm phát triển con người trung bình (nhóm này có 42 nước). Tuổi thọ bình quân của Việt Nam đạt 72,8 cao hơn mức 69,3 tuổi của nhóm nước trung bình, cao hơn cả mức 72,6 tuổi của nhóm cao.
Những thành tựu cơ bản nêu trên là kết quả của sự quan tâm đến con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện tính ưu việt của đời sống xã hội, nền văn hóa Việt Nam, từng bước thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Tiếp tục khơi dậy và phát triển tiềm năng sáng tạo to lớn của con người Việt Nam, tạo ra nguồn lực nội sinh quyết định sự phát triển của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước./.
Ths. Nguyễn Nam
Học viện Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng
Nguyễn Đức Long
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Thu Hiền (st)
----------
1. Trần Văn Giàu. Vĩ đại một con người, Báo Văn nghệ số 35-37 năm 1992.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.4, tr.240.
3. Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.572.
4. Hồ Chí Minh. Sđd., t.12, tr.511.
5. Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.698.
6. Hồ Chí Minh. Sđd., t.4, tr.246.
7. Hồ Chí Minh. Sđd., t.10, tr.190.
8. Hồ Chí Minh. Sđd., t.4, tr.451.
9. Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.36.
10.Hồ Chí Minh. Sđd., t.6, tr.75.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr.106.